Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

LÒNG VÒNG CHUYỆN NỢ NẦN

Tác giả: Phan Châu Thành (26/10/2013)

Mới đây Phó TT Vũ Văn Ninh vẫn tuyên bố: “Chính phủ không nhận nợ thay cho Vinashin, mà chỉ… nhận bảo lãnh khoản nợ”. Thật là nực cười khi một quan kinh tế hàng đầu nhà nước (cựu bộ trưởng tài chính, đương kim PTT phụ trách tài chính) lại coi thường …. dân và “Cuốc hội” (trả lời phỏng vấn bên lề QH) thô thiển đến như thế!

Định không viết gì thêm về các khoản nợ không thể trả của các TĐKTNN (Tập Đoàn Kinh Tế Nhà Nước) đã đang và sẽ gây ra cho đất nước nữa, nhưng sự …. thô thiển như thế của ông Ninh khiến tôi không im lặng được. Quốc hội thì có thể im, và chắc chắn sẽ im, vì đảng chỉ đạo thế, con dân thì không thể im được mãi. Và tôi là dân như thế.

Bất kỳ sinh viên kinh tế nào, chưa cần là những người tham gia hoạt động thanh toán ngoại hối, đều biết Bảo lãnh nợ hay thanh toán là Cam kết trả nợ/thanh toán vô điều kiện bởi người Bảo lãnh (ở đây là chính phủ) thay người Được bảo lãnh (ở đây là Vinashin hay các TĐKTNN khác) cho chủ nợ hay người Thụ hưởng (các định chế Tài chính Quốc tế) bất kỳ khi nào người được bảo lãnh không thực hiện cam kết và trách nhiệm trả nợ và thanh toán của họ vì bất kỳ lý do gì

Đó là nội dung phải có và bất di bất dịch của mọi chứng thư Bảo lãnh thanh toán hay trả nợ, để chủ nợ chấp nhận. Một Thư bảo lãnh như thế thường chỉ dài khoảng 1 đến 2 trang A4 mà đến ¾ là dành cho địa chỉ pháp lý của các bên liên quan, và câu cam kết đó. Như thế, nhận bảo lãnh nợ hay nhận nợ thay thì có khác gì nhau? Thực tế người ta gọi thư Bảo lãnh trả nợ là thư người bảo lãnh nhận trả nợ thay “nếu Con nợ có mệnh hệ gì”. Ở đây, con nợ là Vinashin thì “mệnh hệ” của nó là… đã “shink”, tức “chìm”, từ lâu rồi, và 4-5 năm nay không thấy sủi tăm sau tái cơ cấu như chính phủ đã tuyên bố (bởi một ông PTT khác lúc đó, Nguyễn Sinh Hùng) đại ý “sau 3 năm Vinashin sẽ làm ăn có lãi và sẽ tự trả nợ các khoản tự vay…”

Sự ….. của ông Hùng, rồi ông Ninh (thay mặt Chính phủ) với dân chúng ta thế là đã rõ. Xưa nay họ luôn làm thế và sẽ còn làm thế với dân – “những ông chủ” của họ, và cả “Cuốc hội” –“sếp” của họ, cũng đã rõ.

Nhưng tại sao họ phải làm thế? Ở đời có ai muốn cứ đi “……” hoài? Đó là điều tôi muốn chỉ ra ở đây.

Lần bảo lãnh của Chính phủ cho Vinashin là chỉ dấu mới để chúng ta suy xét: Thứ nhất, đây là món nợ 600 tr.USD Vinashin tự vay, không có bảo lãnh từ trước của Chính phủ như món nợ trái phiếu Chính phủ 750 tr.USD trước đó mà Chính phủ đã hoàn toàn phải đứng ra gánh chịu. Như vậy, tại sao biết thế mà Chính phủ vẫn PHẢI làm, ngược với các tuyên bố trước đó về cách giải quyết các khoản nợ của Vinashin?

Thứ hai, khi bảo lãnh thế, đó sẽ là tiền lệ để Chính phủ sẽ phải bảo lãnh trả nợ thay cho các món nợ khác “tự vay” của các TĐKTNN khác – có nhiều TĐKTNN còn quan trọng hơn VNS nhiều. Tại sao biết thế mà Chính phủ vẫn phải làm?

Thứ ba, đó có phải cũng chính là cách mà chính phủ đang xử lý các khoản nợ xấu ngân hàng, bất động sản, nợ nước ngoài… (khoảng 1,3 triệu tỷ VNĐ hay khoảng trên 60 tỷ USD) của các TĐKTNN và các doanh nghiệp nhà nước khác mà Chính phủ đang làm thông qua cái gọi là Công ty Mua bán Nợ VAMC?

Tại sao vẫn là “cách đó” và phải là cách đó: Chính phủ đứng ra “trả nợ thay”!? Tôi nói “trả nợ thay” trong ngoặc kép, tức là Chính phủ tròng lên cổ dân ta những khoản nợ đó, nhưng lần này “dân ta” không phải là tôi hay các bạn đang nói về chuyện này, mà là con cháu chúng ta – những thế hệ trẻ Việt Nam còn đang ăn học hay chưa được sinh ra! Vì thế, nên coi công ty VAMC của chính phủ như một loại VAMPIR để hút máu dân nuôi đảng thì chính xác hơn.

Tôi xin trả lời những câu hỏi “Tại sao?” đó qua ví dụ Vinashin để chúng ta cùng thấy rõ.

Thời còn đang “tinh tướng”, khoảng 2000-2005, Vinashin có một dự án lớn được quảng bá và triển khai rầm rộ là xuất khẩu sang Iraq thiết bị, phương tiện nổi (xà lan, tầu hút bùn, tàu kéo…) được chính phủ chi cho hàng nhiều nghìn tỷ đồng để thực hiện. Gặp ông P.T.Bình (cựu TGĐ VNS) tôi khen: “Anh giỏi thế, sang Iraq với “các cụ“ có một chuyến mà đã ký được hợp đồng bán tàu thuyền trị giá mấy trăm triệu USD!” Hắn cười khoái chí vênh mặt lên, không thèm nói cho tôi chiêu tiếp thị của mình là gì mà tài thế!

Nhưng rồi tôi cũng phát hiện ra “tuyệt chiêu” bán hàng lô đó của Vinashin: VNS nhận trả nợ thayChính phủ ta cho chính phủ Iraq lúc đó (của Saddam Hussein), bằng các phương tiện hàng hải mà họ cần. Các bạn có thấy “quen quen” với “nhận trả nợ thay” không? Như vậy, trước khi Chính phủ nhận trả nợ thay Vinashin vỡ nợ hiện nay thì từ lâu Vinashin đã nhận trả nợ thay Chính phủ “vỡ nợ” trước đó!

Tôi cũng phát hiện ra hai sự thật và thực tế nữa liên quan đến hay đằng sau các khoản nhận trả nợ thay Chính phủ của các TĐKTNN như VNS.

Đó là, hồi đó – từ những năm 1990, các tổng công ty nhà nước rất đói rách và họ ra sức tranh nhau “chạy” các dự án trả nợ của nhà nước ta cho các nhà nước khác, tất nhiên để kiếm lời rất lớn từ đó cho mình. Các khoản nợ này là do “đảng ta” đã vay các nước “anh em” XHCN như LX, Đông Âu, TQ… để đánh nhau (trong chiến tranh), nay hết chiến tranh rồi phải trả nợ họ. Như vậy “chiến thắng” xong, đảng hưởng chiến công (cầm quyền bằng điều 4 Hiến pháp, sở hữu đất đai “toàn dân”, biến quân đội thành của riêng mình đảng…) và giao cho các TĐKTTNN nhiệm vụ bòn rút dân để trả nợ cho các chủ nợ “chiến thắng” đó! Tức là, cuối cùng thì dân ta là người trả nợ cho các chiến thắng “vẻ vang” của đảng từ trong chiến tranh.

Còn khoản nợ vay các nước như Iraq của Saddam Husein là sau chiến thắng – các khoản vay hậu chiến thắng. Saddam đã cho VN vay 1,5 triệu tấn dầu tương đương khoảng trên 300 triệu USD lúc đó (nay khoảng 1 tỷ USD) sau khi tặng không 400 nghìn tấn. Tại sao có các khoản vay này thì chúng ta biết rõ rồi: “bên thắng cuộc” vốn chỉ biết vay nợ để thắng thì cũng chỉ còn biết vay nợ tiếp để tồn tại sau chiến thắng từ 1975 đến khảng 1995, vì mải trả thù “bên thua cuộc” đến cùng suốt mấy chục năm, vì các nước anh em không cho vay nữa nên không biết sống bằng gì, dân tình đói khát, cả nền kinh tế kiệt quệ bị đẩy lùi vào quá khứ hàng trăm năm so với các nước láng giềng.

Sự thật thứ hai là cách “trả nợ thay chính phủ” rất không minh bạch đã làm giàu cho các quan chức chính phủ được phân công phụ trách công việc “trả nợ” đó (hồi đó là …., ……, ……), và tất nhiên, đã làm giàu cho các doanh nghiệp được các quan lớn đó “giao trọng trách vẻ vang”.

Ở Vinashin, chỉ có ai cánh hẩu với sếp lớn mới được tham dự vào các dự án trả nợ Iraq và Liên Xô. Họ thả sức bịa ra và đổ mọi chi phí khống vào các dự án đó, báo cáo chính phủ “tỷ lệ vốn đã đầu tư” thực hiện các nhiệm vụ đó (bạn học ông Bình “phụ trách” Iraq, em gái ông “phụ trách” LX…). Khi Vinashin chuẩn bị phải bàn giao tầu kéo, xà lan, tầu hút bùn… sang Iraq để trả nợ rồi mà tất cả những thứ đó đều như những đống sắt vụn không thể hoạt động được. Thậm chí tầu “Bạch Đằng Giang” được hoán cải chỉ để chở “tầu hút bùn mới đóng” sang Iraq trả nợ nhưng chưa chở gì thì đã bị chìm ở Vịnh Hạ Long…

Và, lịch sử thật trớ trêu, Saddam Husein và cả chế độ độc tài đã tan rã trước khi VNS có thể mang đồ sang trả nợ, làm VNS vui sướng hơn dân Iraq ủng hộ chính phủ mới sau chiến tranh vùng Vịnh của ông Bush. Nhưng trong các báo cáo của các quan lên Chính phủ thì… VNS đã thay mặt Chính phủ thực hiện hết các trách nhiệm trả nợ “chính phủ Iraq”…(ông Hussein hào phóng với CSVN lúc đó đã bị treo cổ, tội nghiệp, mà vẫn giúp chính phủ VN gánh được bao chi phí “đã trả nợ”…).

Điều tương tự cũng đã xảy ra với các Tổng Công ty nhà nước khác khi nhận trả nợ thay chính phủ cho anh cả Đỏ Liên Xô khi anh cả này tan rã năm 1991 và số nợ “chuyển sang” nước Nga của Putin hiện nay. Nước Nga thì vẫn không đòi được “nợ” (vì không có bảo lãnh nợ!) và cũng không tha thiết lắm với việc đó, nhưng trong báo cáo của Chính phủ thì “chúng ta vẫn liên tục trả nợ cho nước bạn”… và số tiền dân ta phải trả nợ đó đã chui hết vào túi các quan chức chính phủ và các công ty nhà nước (với các chân rết là các công ty tư nhân) được “giao trách nhiệm trả nợ” của họ.

Từ đó sinh ra lớp đại gia Maphia đỏ của Việt Nam tại Nga rồi nay họ về Việt Nam tiếp tục trở thành sân sau và chỗ đứng, chỗ dựa hùng mạnh cho các quan chức chính phủ hiện nay.

Đến đây, cả ba câu hỏi trên đều đã được trả lời: Tại sao chính phủ phải trả nợ thay các tập đoàn KTNN dù họ có làm sai và làm lỗ lã thế nào? Vì họ đã thay mặt nhà nước trả các nợ chiến tranh mà nhờ đó đảng ta …. được chính danh lãnh đạo đất nước, và qua đó họ đã làm giàu các quan chức biến họ thành các tư bản đỏ. Các tập đoàn kinh tế khác tự vay nợ có được nhà nước “bảo lãnh trả nợ thay” như Vinashin không? Tất nhiên là có.

Cách giải quyết nợ của VAMC có được chính phủ bảo lãnh không? Dĩ nhiên. Tất cả các món nợ của đảng và nhà nước sẽ được đảng và chính phủ truyền cho dân Việt trả, qua Bảo lãnh trả nợ, qua VAMC, qua trái phiếu Chính phủ, hay qua các khoản vay các dạng khác có bóng chính phủ. Cái bóng của chính phủ chính là các doanh nghiệp nhà nước… Nhà nước là cái bóng mà chính phủ nấp vào, mạo danh thế để hành động tùy tiện. Thế nên tôi mới nói VAMC là VAMP…

Điều này dẫn đến vấn đề tiếp theo là, Chính phủ ta lấy tiền đâu để trả các món nợ chiến tranh và hậu chiến tranh? Xin thưa: từ các khoản vay quốc tế, mà như tôi đã nói, các thế hệ con cháu chúng ta sẽ phải trả nợ tiếp trong tương lai.

Như vậy, có thể thấy, cùng một món nợ “chiến thắng” chính phủ …. đã bắt nhân dân ta phải trả nợ ba lần: lần đầu, họ chiếm công lao chiến thắng của toàn dân tộc đó cho mình rồi trèo lên ngai cai trị vĩnh viễn và chiếm đoạt vĩnh viễn …. của dân tộc, bằng hiến pháp (lót dưới cương lĩnh đảng) của họ, như tình trạng thể chế đất nước hiện nay. Lần thứ hai, đã đang xảy ra, là mấy chục năm nay họ dùng các doanh nghiệp nhà nước để vơ vét, phá hoại, làm nghèo đất nước, làm đói khổ dân, để “trả nợ thay chính phủ” – như vụ Vinashin trả nợ Iraq thay chính phủ trên. Và lần thứ ba, họ bắt các thế hệ Việt Nam sau này sẽ phải trả nợ cho thế giới các khoản vay quốc tế mà họ đã và đang vay vẫn là để “trả nợ chiến thắng” của họ, thực ra là củng cố ….. thêm của cải cho họ.

Lịch sử thật là tàn nhẫn với dân tộc ta bởi chính dân tộc ta chấp nhận điều đó. Một lần đưa chân sai (theo …..) là phải trả nợ ba lần, suốt năm bảy đời chưa xong!

Nhưng, nếu lần thứ ba đã thấy rõ rồi – đã quá tam – mà vẫn không học được bài học (bị …..lừa) đó thì dân tộc ta sẽ phải trả giá lần thứ tư! Lần này với cái giá đắt nhất, là “không có gì quí hơn độc lập tự do”.

Vâng, tôi muốn nói đến món “nợ chính phủ” … với TQ. Từ sau chiến tranh, chính phủ TQ không “đòi nợ” như một số “anh em” khác, và chính phủ ta vì thế đã không phải cử các TĐKTNN sân sau trả nợ TQ thay mình. Thậm chí, họ còn chính phủ ta cho vay thêm. Nhưng có thật các khoản nợ đó TQ không đòi và …VN không phải trả?

Cái họ thực sự muốn “đòi” và đang đòi lớn hơn rất nhiều. Và ……..!
Nhưng dân tộc Việt nam có chịu “trả nợ thay chính phủ” như thế nữa hay không? Đó lại là một việc khác.

Cả dân tộc không phải là các tập đoàn kinh tế, không thể được “định hướng” XHCN, càng không thể tự ăn thịt chính mình. Dân tộc ta sẽ tự hướng về những giá trị mà cả dân tộc xứng đáng có, nhất định đó không phải những thứ mà ….. ra trên dải đất này suốt hơn nửa thế kỷ nay.

P. C.T.

5 NĂM TỚI MIẾN ĐIỆN SẼ Ở ĐÂU?

Theo thông tin Reuter công bố hôm qua, dẫn lời của chủ tịch quốc hội Miến Điện - Shwe Mann - rằng, tổng thống Thein Sein quyết định không ra tranh cử nhiệm kỳ tới vào 2015. Đồng thời ông Shwe Mann cũng cho biết quốc hội quyết định sửa đổi hiến pháp, để mở đường cho bà Aung Kyi ra tranh cử tổng thống.

Trong một bài viết cách đây 18 tháng của tôi - Chuyện Đông, chuyện Tây và chuyện nước Việt, tôi có viết, cùng năm 1990 ở Việt Nam và Miến Điện có hai sự cỡi trói lớn. Miến Điện cỡi trói về chính trị để làm nền tảng cho kinh tế bắt đầu mở cửa 2 năm qua. Họ giữ được văn hóa, tài nguyên còn nguyên vẹn. Trong khi đó, Việt Nam cỡi trói kinh tế, mà không thay đổi thể chế chính trị đơn nguyên tập quyền. Và Việt Nam đã có những phát triển rõ nét, nhưng phải trả giá bằng cách đổi tài nguyên, môi trường, văn hóa để có kinh tế tư bản hoang dã hôm nay. Trong khi Miến Điện từng bước thoát Trung Hoa, thì Việt Nam ngược lại trói mình vào Trung Hoa đúng cái mốc 100 tuổi của cụ Hồ.

Trước khi rút lui khỏi chính trường ông tổng thống Thein Sein ở Miến Điện làm 3 việc lớn: dời đô từ Rangoon sang Naypyidaw; Cỡi bỏ mọi đàn áp phe đối lập, thả tù nhân chính trị và đưa xã hội Miến Điện trở thành một xã hội dân chủ thực sự bằng hành động cho hoạt động tự do báo chí tư nhân, cũng như sửa đổi hiến pháp theo tinh thần đa nguyên tản quyền.

Cũng thì rút khỏi chính trường, nhưng ông cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh ở Việt Nam đã kịp thời mang bầu đoàn thê tử sang Trung Hoa ký kết ràng buộc Hội nghị Thành Đô 1990. Hiến pháp nước Việt đưa thêm điều 4 độc tôn cai trị cho đảng cộng sản ở Việt Nam. Tước hết mọi quyền tự do dân chủ ở Việt Nam bằng nghị định và nghị quyết của đảng cầm quyền. Cho nên hôm nay con chiên của đảng cầm quyền trở thành mọt nước sâu dân, văn hóa suy đồi, kinh tế sụp đổ, chính trị hỗn man, và đang chờ ngày diệt vong.

Cho tới nay, thế giới kinh ngạc về sự chuyển đổi của Miến Điện. Cuộc chuyển đổi này được ví còn hơn cả những cuộc cách mạng nhung diễn ra ở Đông Âu. Hầu hết các nhà nghiên cứu đều tập trung nghiên cứu vấn đề của Miến Điện, để làm ra một mô hình cho các quốc gia đơn nguyên, tập quyền và chậm phát triển. Hàng loạt Workshop ở Liên Hiệp Quốc dành cho những sinh viên ưu tú toàn cầu hằng năm đưa Miến Điện ra để cho nghị trình Model United Nations cho các lãnh đạo tương lai.

Một câu hỏi đặt ra là, với một nền văn hóa phương Đông, thì cái gì làm nên một Miến Điện có được cuộc cách mạng xã hội êm thắm để thoát ra khỏi chế độ quân quản tập quyền, và thoát được Trung Hoa? Có những kết luận rút ra rất xác đáng làm tất cả mọi người có lương tri phải suy nghĩ, rằng để có một Miến Điện chuyển đổi tốt đẹp như hôm nay cần có những điều kiện tiên quyết sau:

Thứ nhất là về kinh tế Miến Điện phải đi đến cùng cực như những năm cuối thập niên 2000s. Chính nó là động lực bắt buộc lãnh đạo độc tài quân phiệt của Miến Điện buộc lòng phải chuyển đổi.

Thứ hai là về chính trị, trên nền tảng một chế độ chính trị tập quyền quân quản, nhưng Miến Điện vẫn giữ hình thái đa nguyên chính trị trong suốt từ sau 1975 đến nay. Nó giúp cho các đảng phái chính trị vẫn tồn tại, dù bị đàn áp, nhưng càng đàn áp càng tạo uy tín cho họ.

Thứ ba là, vấn đề con người then chốt. Nếu bên đảng phái đối lập có một quý bà thép đầy trí tuệ và hàn lâm Aung Kyi được sự trợ giúp hết mực của chồng, đã can đảm đứng ra trước lằn tên mũi đạn để tạo nên một đối trọng, thì bên nhóm tập đoàn độc tài quân phiệt cũng có một Than Shwe quyết định dời đô và cho phép đa nguyên chính trị, sau đó một Thein Sein tiếp bước, để chuyển xã hội Miến Điện đi từ tập quyền quân phiệt sang một xã hội dân sự văn minh dân chủ.

Cuối cùng là, vấn đề góp sức từ bên ngoài. Hành động cấm vận của Hoa Kỳ và phương Tây, rồi sau đó xóa cấm vận nhanh chóng đã giúp góp phần rất lớn để có một thay đổi tư duy của tầng lớp lãnh đạo tập quyền quân phiệt ở Miến Điện. Sự chuyển đổi của Miến Điện buộc lòng các lãnh đạo lớn thế giới phải thân chinh đến thăm để nắm bắt thời cơ làm ăn, quan hệ, trong đó có tổng thống Hoa Kỳ, thủ tướng Anh, chủ tịch Liên minh Châu Âu, và kể cả chủ tịch Trung Hoa, mặc dù, Miến Điện đã thoát ra khỏi Trung Hoa bằng hành động từ chối dự án 2,5 tỷ đô la cho hệ thống dẫn dầu xuyên vịnh Bengan qua Miến Điện về Vân Nam.

Nhìn lại Miến Điện ta thấy, vấn đề cốt lõi cho chuyển đổi của đất nước này là vấn đề bên trong nội tại đất nước là chính yếu. Sự góp sức của bên ngoài chỉ là chất xúc tác cho một dây chuyền phản ứng đang diễn ra. Và yếu tố con người đủ khả năng độc thâu tóm quyền hành chịu chuyển đổi tư duy. Dĩ nhiên Phật giáo là quốc giáo cũng đóng vai trò không nhỏ cho hành động vị tha, gác bỏ quá khứ nhìn về tương lai của các phe đảng chính trị cũng góp phần quan trọng cho chuyển đổi, khi bà Aung Kyi tuyên bố, miễn truy cứu tội lỗi của chính quyền Than Shwe.

Với một nền chính trị đi đúng quy luật khoa học xã hội về mặt triết học, các quy luật mâu thuẫn, đối lập và phát triển đang giúp đất nước Miến Điện nở hoa từng ngày.

Một nền chính trị động và bền vững, nhân bản hiện nay của Miến Điện sẽ là nền tảng tốt cho kinh tế Miến Điện không bao lâu nữa sẽ vượt ra khỏi đói nghèo, và thịnh vượng, ở một quốc gia mà nó đã từng là số 1 khu vực Đông Nam châu Á chỉ sau Nhật Bản ở Châu Á vào 2 thập niên 1960 và 1970s.

Có người cho rằng phải 10 năm nữa Miến Điện sẽ bắt kịp kinh tế Việt Nam, nhưng qua theo dõi, tôi cho rằng, chỉ 5 năm tới thôi Miến Điện có thể đứng vào hàng ngũ phía trên của 11 quốc gia Asean.

Asia Clinic, 10h20' ngày Thứ Bảy, 26/10/2013